Võ Sư Tô Đình Thanh

Cao đồ môn phái Thiếu Lâm - Nội Quyền - Tây Sơn Nhạn

  •  HOÀNG MINH

Môn Phái Thiếu Lâm Tự - Nội Quyền – Tây Sơn Nhạn được tổ sư Bùi Văn Hóa (Chín Hóa, sn 1894 – 1958) du nhập vào Việt Nam. Khởi đầu cho sự nghiệp của một môn phái rất nổi tiếng trong làng võ từ thập niên 1930 cho đến nay môn Phái Tây Sơn Nhạn có nguồn gốc và lịch sử phát triển rõ ràng, các thế hệ chưởng môn kế nhiệm đều được Hội đồng võ sư bầu chọn. Môn phái này được hình thành từ sự dung hợp hai dòng võ lớn Thiếu Lâm – Võ Đang. Phối triển tính cương mãnh của võ công Phật gia, sự âm nhu của Đạo gia, Thiếu Lâm - Nội Quyền khi công hãm mạnh mẽ quyết liệt, phòng thủ kín kẽ biến hóa khôn lường. Môn phái này được người học trò xuất sắc của Tổ sư môn phái Võ Đang Trương Tam Phong là Trương Tùng Khê sáng lập (Nội Quyền).

Những cao đồ truyền nhân

Vào hai thập niên 60 - 70 trở về trước, môn phái Thiếu Lâm – Nội Quyền – Tây Sơn Nhạn phát triển rầm rộ, danh vang tứ chiếng. Ông tổ của môn phái tại Việt Nam là võ sư Bùi Văn Hóa sinh ra tại đất võ Bình Định. Từ thuở nhỏ võ sư Chín Hóa đã đam mê luyện võ được gia đình truyền dạy. Năm lên 10 tuổi, võ sư Chín Hóa đã nổi tiếng là thần đồng võ thuật. Suốt thời trai trẻ võ sư Chín Hóa đã sang Trung Quốc thọ giáo môn phái Thiếu Lâm Tự – Nội Quyền Tây Sơn Nhạn. Khi đã lĩnh hội tinh hoa võ thuật, trở thành một cao thủ ông trở về nước mở môn phái Thiếu Lâm tự - Nội quyền – Tây Sơn Nhạn thu nạp học trò. Những võ sư tiêu biểu của môn phái thuộc thế hệ đầu tiên là: Lưu Văn Liễn (Ba Liễn), Sáu Bôn…đều là những học trò lớn xuất sắc. Sau Cách mạng Tháng Tám (1945) võ sư Chín Hóa cùng đại đệ tử Ba Liễn vào Sài Gòn truyền bá võ học và thu nhận nhiều đệ tử: Ba Sửu, Ba Lai, Ba Vè, Ba Tốc, Nguyễn Văn Mách (Mười Mách)... Trước khi qua đời, ông để lại nhiều lời giáo huấn “Lấy sức khỏe dùng võ nghệ làm những điều phải nghĩa giúp người hoạn nạn là bản sắc của người anh hùng. Cộng sức khỏe dùng võ nghệ làm những điều bất nghĩa là cái tâm địa của phường tiểu nhân”.

Khi tổ sư sáng lập Chín Hóa qua đời Hội Đồng Võ Sư Môn Phái đã thống nhất bầu chọn Võ Sư Lưu Văn Liễn (Ba Liễn) là Chưởng môn đời thứ nhất. Võ sư Ba Liễn (1909 - 1985). Theo lịch sử môn phái ông Ba Liễn là một trong “Ngũ tam nhất thập” của môn phái, bao gồm: Ba Liễn, Ba Vè, Ba Sửu, Ba Lai, Ba Tốc và Mười Mách. Đương thời có các võ sĩ danh tiếng được giới võ gọi là “Nhất Hổ, Nhì Miêu, Tam Trừ, Tứ Tín”. Lý Phi Sơn Hổ với lối chơi bạo liệt như mãnh hổ, Tám Miêu bất thần tung ra độc chiêu hạ đối thủ trong nháy mắt, “ngọn cước Sáu Trừ” với đòn Bình Sa Lạc Nhạn trứ danh, đòn gối kinh hoàng của Tứ Tín. Cao thủ đương thời gọi bốn tay đấm này là “gà nòi” của lò võ Tây Sơn Nhạn. Võ sư chưởng môn đời thứ nhất Ba Liễn chấp chính được hai năm thì họp Hội Đồng Võ Sư Môn Phái giao chức chưởng môn đời thứ hai cho võ sư Nguyễn Văn Mách,ông gửi thân chốn Thiền môn.

Võ sư Nguyễn Văn Mách (Mười Mách, 1921 - 1990). Dưới thời võ sư Chưởng môn Mười Mách,danh hiệu môn phái đổi thành Thiếu Lâm Tự - Nội Quyền – Môn phái Tây Sơn Nhạn. Ông là người đưa môn phái phát triển mạnh mẽ với các môn sinh xuất sắc: Đông Nhạn, Tây Nhạn, Nam Nhạn, Bắc Nhạn, Hồng Nhạn, Hùng Nhạn, Trung sơn Nhạn, Cường Nhạn, Thanh Nhạn, Hồng Ẩn Nhạn….Năm 1969, võ sư Mười Mách cùng 10 đồng đạo sáng lập Tổng Hội Võ Học Việt Nam. Sau khi ông qua đời,năm 1992 Hội Đồng Võ Sư Môn Phái bầu võ sư Tô Đình Thanh (Thanh Nhạn còn gọi là Xuyên Sơn Nhạn) làm chưởng môn đời thứ ba.

Dưới sự lãnh đạo của Võ Sư Tô Đình Thanh (Xuyên Sơn Nhạn).Danh hiệu Môn phái chính thức được đổi thành Thiếu Lâm – Nội Quyền – Tây Sơn Nhạn. Ông họp Hội đồng võ sư Môn Phái đề cử Võ Sư Nguyễn Phúc Ẩn ( Hồng Ẩn Nhạn ) là Phó Chưởng Môn Phái Thiếu Lâm - Nội Quyền - Tây Sơn Nhạn.Được toàn thể hội đồng võ sư thống nhất. Võ sư Tô Đình Thanh là đệ tử chân truyền của Võ Sư Nguyễn Văn Mách.Ông có cơ duyên được ba vị sư bá: Ba Liễn, Ba Sửu, Ba Lai yêu thương truyền dạy tinh hoa trấn môn. Sau năm 1975, ông từng huấn luyện cho: Trinh Sát Biên giới Tây Nam (1978-1979), đội SBC (Săn bắt cướp) CA TPHCM (1979 - 1981), Taekwondo quận 1 (1982 - 1984), Lữ đoàn 125 Hải quân (1985 - 1987), năm 1992 mở lớp huấn luyện võ thuật môn phái.

Dẹp loạn giang hồ

Võ sư Tô Đình Thanh sinh năm 1952 ,quê quán Hải Phòng nhưng di cư vào Nam đã lâu. Lần đầu tiên ông học võ Bình Định Gia truyền, đến năm lên 8 học Judo. Đồng thời ông học Aikido rồi sau đó học Taekwondo ở Tổng nha cảnh sát quốc gia. Năm 1965 bái võ sư Nguyễn Văn Mách (Mười Mách) làm sư phụ và học Thiếu Lâm tự - Nội Quyền – Môn phái Tây Sơn nhạn. Đến năm 1969, sư phụ cho ông đứng lớp để dạy các môn sinh. Đương thời, các chiêu thức của môn phái được xem là những tuyệt chiêu khiến đối thủ phải kiêng nể. Chiêu thức căn bản của môn phái với đòn tay thì lấy bộ Thôi Sơn (quả đấm có thể xô núi), bộ Phượng Dực đăng sơn (cánh phượng bay lên núi)... Nói về bộ pháp thì có bộ Nội Quyền (nhập nội đối phương để áp đảo), bộ Ma Vương Bí Pháp (tuân theo quy luật vòng tròn của bát quái)... Về cước pháp có Bình Sa lạc nhạn, có Thủ Túc…

Năm 1970 Võ sư Thanh bắt đầu thượng đài. Lúc bấy giờ tổ chức đấu võ chính quy tại sân Tinh Võ (quận 5).Một trong những trận đấu đáng nhớ, ông đã chấp võ sĩ HXH 5kg. Vừa nhập cuộc đối phương đã dùng đòn thế rất mạnh mẽ, áp đảo hòng khuất phục ông trong vòng vài chiêu thức. Tuy nhiên, với thân pháp nhanh lẹ ông đã né tránh hết các đòn thế của đối phương tung ra. Nhanh như chớp ông tung ngọn cước Bình Sa Lạc Nhạn (di chuyển sang ngang một góc 45 độ, tung cước đá vào tầm trung của đối phương), một trong những đòn sở trường của môn phái Thiếu Lâm – Nội Quyền - Tây Sơn Nhạn. Đối phương dính đòn đá liền ngã quỵ. Tuy nhiên, với sức vóc hơn người đối phương đã nhanh chóng gượng dậy. Liên tiếp võ sĩ Thanh Nhạn tung thêm đòn Phạt Thảo Tầm Xà,Thôi Sơn Cản Lộ… khiến đối phương nứt hai xương ống không kịp trở tay, gục ngay tại chỗ. Những trận đánh sau đó, nhờ kỹ thuật điêu luyện và tinh hoa môn phái ông đã giành nhiều thắng lợi trước đối thủ nặng ký đương thời. Võ sĩ  Thanh Nhạn có lối đánh kiên cường,đa dạng và xuyên phá , danh tiếng của ông vang xa,được sư phụ đặt thêm cho ông biệt hiệu Xuyên Sơn Nhạn.

  Trước năm 1975 võ sư Thanh huấn luyện tại võ dường trung tâm 258/5 Trần Hưng Đạo (sở cứu hỏa Đô Thành), số 143-147 đường Mạc Vân quận 8, đây là khu thương phế binh (chế độ cũ). Đồng thời đây cũng là nơi quy tụ nhiều thành phần bất hảo của xã hội với những tay anh chị khét tiếng. Những lần tập khiến gã hàng xóm bất hảo tức giận, nổi máu côn đồ sang gây hấn. Sau nhiều lần giải thích, phân trần gã giang hồ cũng phần nào nguôi ngoai. Tưởng mọi chuyện đã êm xuôi, võ sư Thanh tiếp tục công việc truyền đạt tinh hoa võ thuật. Ai ngờ, gã hàng xóm giang hồ đã bị kích động bởi những lời xúi giục của kẻ xấu, bạn bè nên hắn có ý muốn thể hiện mình là người có uy lực. Ngay ban ngày ban mặt, gã giang hồ dẫn theo hơn 30 đàn em với gậy gộc, mã tấu hùng hổ đến “gây hấn” võ đường. Biết không thể thương thuyết được nữa, buộc các võ sư môn phái Thiếu Lâm – Nội Quyền - Tây Sơn Nhạn phải ra tay diệt bạo.

Đối mặt với hơn 30 tay giang hồ, võ sư Tô Đình Thanh (Xuyên Sơn Nhạn) sát cánh cùng các sư huynh Đông Nhạn (Nguyễn Văn Quang – con nuôi cũng là đại đệ tử của võ sư Mách) từ trong đánh ra. Sư huynh Hồng Nhạn (Nguyễn Văn Điều) và võ sư Tây Nhạn (Nguyễn Văn Hảo) từ ngoài đánh vào; Võ sư Hồng Ẩn Nhạn (Nguyễn Phúc Ẩn) từ cầu Nhị Thiên Đường đánh xuống. Chỉ trong vòng ít phút, đám giang hồ cộm cán đã nằm sỏng soài la liệt. Nhóm giang hồ phủ phục dưới chân các võ sư. Ngay sau đó chính quyền đến giải tán nhóm ẩu đả. Đám giang hồ được phen bạt vía không dám quay lại gây hấn với võ đường nữa mà lân la tìm đến làm bạn.

 

 

 

 

BOX: Chỉ đào tạo hiền tài

Võ sư Chưởng Môn Tô Đình Thanh chủ trương đào tạo người học trò ngoài chuyên môn giỏi phải có đạo đức tốt.Tuy nhiên phương châm “đến đón, đi tiễn, thích thì chiều” đôi khi phải có trong cuộc sống…Phương châm của võ sư Thanh là “võ thuật không thuần túy chỉ có tay và chân, còn đậm sâu nét triết lý nhân sinh”. Hơn 30 năm qua, võ sư Tô Đình Thanh (Xuyên Sơn Nhạn) đã đào tạo được nhiều võ sư và huấn luyện viên có nhiều thành tích, được chính quyền các cấp và Bộ Trưởng VH TT và DL cấp bằng khen “ Vì sự nghiệp TDTT”. Các võ đường đào tạo có: Texas (Võ Sư Jordan Tony), Pháp (Võ Sư David Phan Nhuận), quy tụ được rất nhiều môn sinh. Tại Việt Nam có cơ sở : Nhà Văn Hóa số 290 Nơ Trang Long, P.12, Q.Bình Thạnh; Nhà Văn hóa Thanh Đa, Bình Thạnh; số 122/27/20 Tôn Đản Phường 10 quận 4 …

H.M

Nguồn : Báo Đời Sống & Pháp Luật